Sáng 29/3, tại huyện Trùng Khánh, Ban Quản lý Khu kinh tế (KKT) tỉnh tổ chức hội nghị giao lưu doanh nghiệp trong và ngoài nước, thực hiện cửa khẩu số, thúc đẩy xuất nhập khẩu (XNK) năm 2024.
Tham dự có lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh; huyện Trùng Khánh; lãnh đạo Cục Thương vụ Thành phố Bách Sắc, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc); trên 30 doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc.
KKT cửa khẩu tỉnh nằm trên địa bàn của 5 huyện biên giới, tiếp giáp với Trung Quốc trên 265 km, tổng diện tích tự nhiên 30.130,34 ha, có 6 cửa khẩu kết nối với các cửa khẩu của Trung Quốc, gồm: Cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng, Trà Lĩnh, Lý Vạn; cửa khẩu song phương Sóc Giang, Pò Peo, Hạ Lang. Hiện Ban Quản lý KKT tỉnh đang triển khai lập quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 các khu chức năng trong KKT cửa khẩu, dự kiến quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 khu vực cửa khẩu Tà Lùng, Trà Lĩnh sẽ hoàn thành trong năm 2024; các khu còn lại dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
Năm 2023, KKT cửa khẩu thu hút trên 306 doanh nghiệp thực hiện hoạt động XNK hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh, tổng kim ngạch XNK hàng hóa (bao gồm cả hàng hóa giám sát) đạt 738,3 triệu USD, đạt 116% so với chỉ tiêu kế hoạch. Trong đó, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 380,1 triệu USD; nhập khẩu đạt 148,8 triệu USD; hàng hóa giám sát đạt 209,4 triệu USD. Thu thuế và các khoản thu khác từ hoạt động XNK hàng hóa thu được 755,18 tỷ đồng, đạt 72% chỉ tiêu Bộ Tài chính giao.
3 tháng đầu năm 2024, hoạt động XNK hàng hóa tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2023. Tổng kim ngạch XNK đạt 151,5 triệu USD, tăng 63% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 21% chỉ tiêu tỉnh giao. Thu thuế và thu khác từ hàng hoá XNK đạt 154,8 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 26% chỉ tiêu tỉnh giao.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, trao đổi, phân tích, làm rõ những vấn đề nhà đầu tư quan tâm khi đầu tư tại KKT; đánh giá môi trường đầu tư của KKT tỉnh, hoạt động của các dự án đầu tư, tình hình hoạt động XNK trong địa bàn KKT; những khó khăn vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách và quá trình triển khai dự án.
Hội nghị dành phần lớn thời gian để các doanh nghiệp 2 bên trao đổi, thảo luận về triển vọng, cơ hội hợp tác đầu tư trong thời gian tới với những tín hiệu tích cực. Đa số các doanh nghiệp 2 bên mong muốn tìm được cơ hội hợp tác, kết nối để tiến tới ký kết hợp đồng hợp tác tác giao thương, phát triển các lĩnh vực như: Nông nghiệp, công nghiệp, điện tử, năng lượng, du lịch, XNK hàng hoá… Đồng thời, mong muốn chính quyền 2 bên tạo điều kiện thuận lợi đơn giản hoá các thủ tục XNK, xuất nhập cảnh, giảm thiểu tối đa chi phí; có các cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút đầu tư.
Thông qua hội nghị nhằm mở ra những cơ hội mới, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc tăng cường hơn nữa giao lưu, hợp tác, tạo sự bứt phá cho phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy quan hệ kinh tế – thương mại giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.