Bộ Ngoại giao đề nghị tăng cường công tác quản lý, phát triển cửa khẩu
(PLO)- Cơ hội hợp tác phát triển ở khu vực biên giới của Việt Nam đang rất lớn. Do đó, Bộ Ngoại giao đề nghị cần tăng cường quản lý, phát triển cửa khẩu, trong đó có mở, nâng cấp cửa khẩu.
Ngày 8-4, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã chủ trì tổ chức “Hội nghị quán triệt, hướng dẫn triển khai thực hiện quy hoạch cửa khẩu các tuyến biên giới đất liền”.
Ông Nguyễn Văn Đức và các đại biểu tham dự hội nghị
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác quy hoạch và phát triển hệ thống cửa khẩu đối với sự phát triển của đất nước.
Ngay từ năm 2020, Bộ Ngoại giao đã tích cực chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan triển khai nghiên cứu, xây dựng, trình và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch cửa khẩu trên toàn tuyến biên giới đất liền.
Quy hoạch có vai trò định hướng lộ trình phát triển hệ thống cửa khẩu trong trung hạn, gắn với tầm nhìn dài hạn và xa hơn nữa. Quy hoạch này cũng tạo khung pháp lý quan trọng cho các bộ, ngành và các tỉnh biên giới định hướng kế hoạch tổ chức, triển khai đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng khu vực biên giới phù hợp với quy hoạch cửa khẩu.
Cùng với đó là chuẩn hóa và hiện đại hóa hệ thống cửa khẩu theo hướng xanh, sạch; từng bước phát triển hệ thống cửa khẩu số, cửa khẩu thông minh, phù hợp với nhu cầu, mức độ hội nhập của đất nước.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần chú trọng công tác quản lý, phát triển cửa khẩu. Ảnh: Bộ Ngoại giao
Tại Hội nghị, các đại biểu đã đi sâu trao đổi các nội dung thực tiễn triển khai công tác mở, nâng cấp cửa khẩu tại địa phương.
Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng khu vực cửa khẩu hiện vẫn thiếu và yếu. Ngoài ra, vẫn còn khó khăn trong việc huy động nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng cửa khẩu và tính tương thích về quy hoạch, chiến lược phát triển cửa khẩu giữa ta với các nước láng giềng…
Chính vì vậy, các đại biểu cho rằng, trong thời gian tới các địa phương cần nghiêm túc thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt. Đối với các cửa khẩu nằm trong quy hoạch, căn cứ thứ tự ưu tiên được đề cập trong quy hoạch, kết hợp việc trao đổi thực tế, thống nhất với địa phương Trung Quốc, Lào và Campuchia.
Trường hợp đặc biệt, nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết, yêu cầu đối ngoại đặc thù địa phương có nhu cầu mở cửa khẩu không nằm trong quy hoạch Chính phủ sẽ xem xét quyết định từng trường hợp cụ thể.
Còn đối với các trường hợp khác, địa phương cần chờ đến chu kỳ điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tiếp theo; vận hành hiệu quả hệ thống cửa khẩu hiện có theo đúng quy hoạch, quy định. Mặt khác, xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông, bố trí bộ máy quản lý cửa khẩu.
Phát biểu chỉ đạo và kết luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, trọng tâm công tác quản lý, bảo vệ biên giới giữa ta và các nước láng giềng hiện nay đã chuyển từ giai đoạn phân giới cắm mốc sang hợp tác phát triển. Do đó, cần nắm bắt cơ hội hợp tác để thúc đẩy phát triển ở khu vực biên giới.
Ông Nguyễn Văn Đức cùng các đại biểu trong hội nghị quán triệt, hướng dẫn triển khai thực hiện quy hoạch cửa khẩu các tuyến biên giới đất liền.
Ông Nguyễn Văn Đức cùng các đại biểu trong hội nghị quán triệt, hướng dẫn triển khai thực hiện quy hoạch cửa khẩu các tuyến biên giới đất liền.
Từ đó, Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành và địa phương liên quan tăng cường nghiên cứu, rà soát, phối hợp với các nước đối tác láng giềng trong công tác quản lý, phát triển cửa khẩu, trong đó có mở, nâng cấp cửa khẩu.
Các địa phương nghiêm túc triển khai quy hoạch, tập trung các công tác. Đề xuất, báo cáo cấp có thẩm quyền các cửa khẩu có nhu cầu mở, nâng cấp, để các bộ, ngành phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương.
Đồng thời quản lý tốt cửa khẩu biên giới; phát huy vai trò của hệ thống cửa khẩu thông qua việc tăng cường kết nối đồng bộ hệ thống đường bộ và đường sắt với các tỉnh biên giới, khu vực nội địa của Trung Quốc, với khu vực ASEAN, cũng như các nước Trung Á.
Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách kết hợp để huy động nguồn lực, hỗ trợ địa phương xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển kinh tế cửa khẩu, đầu tư vào khu vực cửa khẩu, biên giới.
Đặc biệt, cần nghiên cứu đầu tư phát triển du lịch biên cương.
Nguồn: Báo pháp luật